Netflix, Apple TV thu gần 1.000 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam

 Truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV có khoảng 1 triệu thuê bao, với doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng.


Thông tin trên được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) về việc quản lý các nền tảng cung cấp dịch vụ thuê bao truyền hình trả tiền trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 10/11.

Theo số liệu của Bộ, thị trường Việt Nam hiện có 35 doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với 14 triệu thuê bao và doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV… là khoảng 1 triệu thuê bao, với doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

“Có câu chuyện bảo hộ ngược, khi doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, từ thuế đến luật pháp, trong khi một số nền tảng không biên giới không nộp thuế, không luật pháp, dẫn tới cạnh tranh không công bằng”, Bộ trưởng Hùng nhận xét.


Trong quý I năm nay, tổng số thuê bao của các doanh nghiệp truyền thống giảm 1 triệu. Trong khi các nền tảng xuyên biên giới tiếp tục tăng cao, riêng số lượng thuê bao trả tiền của Netflix tăng 60% trong quý I so với cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo ngành thông tin truyền thông, các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ các quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí, đóng thuế. Tuy nhiên, các nền tảng nước ngoài lại chưa thực hiện các quy định này. Các nền tảng này còn vi phạm nhiều quy định về nội dung, báo chí, điện ảnh và trẻ em. Có những nội dung phản ánh sai trái lịch sử, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hoặc có nội dung bạo lực, ma túy, khiêu dâm.

Bộ trưởng Hùng cho biết, các giải pháp sẽ “làm sớm và nhanh” để quản lý các nền tảng này. Theo đó, Bộ đã sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý, cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet. Nghị định sửa đổi này đã được soạn thảo xong và đang trình Chính phủ xem xét. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính gắn với trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nền tảng.

Trước đó, tại cuộc họp cuối tháng 10, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, Netflix đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế để đặt văn phòng đại diện, máy chủ ở Việt Nam để phục vụ công tác kê khai thuế.

Cơ quan thuế cũng đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống kê doanh thu Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam năm 2016 nhằm truy thu thuế.

Theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.

Trao đổi với VnExpress sau đó, đại diện Netflix cho biết chưa có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng đã gặp mặt cơ quan thuế để thảo luận những thay đổi sắp tới nhằm hoàn thành nghĩa vụ thuế. “Chính sách thuế là quyền quyết định của Chính phủ và Netflix tuân thủ luật pháp ở từng quốc gia mà chúng tôi hiện diện”, Netflix cho hay.

Bài viết được đăng bởi: Forex Sfx Group

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *